Hướng dẫn đặt tên công ty
Khi thành lập một công ty mới, việc tưởng như dễ nhất lại khiến các chủ doanh nghiệp mất thời gian nhất. Làm sao để có tên công ty hay? Đặt tên nào để thuận lợi làm ăn kinh doanh? Tên nào hợp phong thủy? Hay chỉ đơn giản là đặt tên nào để không bị trùng với hàng trăm ngàn doanh nghiệp đi trước? Asadona xin gợi ý một số cách đặt tên phổ biến để khách hàng sử dụng dịch vụ đăng ký kinh doanh của mình tham khảo.
Cách 1. Đặt tên công ty từ tên cá nhân:
– Từ tên của chủ doanh nghiệp hoặc thương hiệu cá nhân: Thảo Nguyên, Tiến Dũng, Đức Long, Vic Trần…
– Từ tên ghép của những người lập doanh nghiệp: Hà Minh Thành, Nguyên Tâm Ý, Thuận Long, Ngọc Thành…
– Từ họ của những người lập doanh nghiệp: Trần Vũ, Lê Nguyễn, Hoàng Hồ, Trịnh Gia…
Cách này có ưu điểm là đậm chất cá nhân, nếu những cá nhân chủ doanh nghiệp là người có uy tín thì công ty sẽ được thừa hưởng uy tín hoặc thương hiệu cá nhân đã có sẵn.
Tuy nhiên, khuyết điểm của nó cũng là đậm chất cá nhân, khi công ty lớn lên, nhiều thành viên và nhân viên sẽ có cảm giác mình không có vai trò gì trong công ty dẫn đến giảm tinh thần đóng góp cho công ty.
Cách 2. Đặt tên công ty gợi nhắc đến ngành nghề kinh doanh:
– Từ công dụng của sản phẩm:
Công ty TNHH Trường Xuân: Dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp…
Công ty TNHH Ánh Sáng Đồng Nai: Bán buôn đèn điện, khí đốt, xăng dầu…
– Từ chính sản phẩm:
Công ty TNHH Hóa Chất Trần Gia: Bán buôn hóa chất.
Công ty TNHH Thực Phẩm An Toàn: Bán buôn thực phẩm.
– Từ đặc điểm gợi nhớ của sản phẩm:
Công ty TNHH Chổi Vàng: Dịch vụ vệ sinh nhà cửa…
Công ty TNHH Cao Đổ: Xây dựng, phá dỡ, san lấp mặt bằng…
Công ty TNHH Đất Lành: Bất động sản.
Đây là cách truyền thống và đơn giản nhất, tuy nhiên do sự đối chiếu trùng lặp trên toàn quốc hiện nay doanh nghiệp mới muốn gắn ngành nghề vào tên cũng không dễ. Để đặt được tên mình mong muốn nhiều doanh nghiệp đã phải đặt tên rất dài như:
Công ty TNHH MTV Đầu Tư Phát Triển Xây Dựng Thương Mại Sản Xuất Hơi Dài.
Lời khuyên: Nếu có thể, khách hàng nên tránh việc đưa những chữ như Thương Mại, Dịch Vụ, Sản Xuất, Đầu Tư, Phát Triển vào tên công ty. Nó sẽ khiến tên công ty dài và dễ bị lẫn lộn khi đứng trong một danh sách các công ty cùng ngành nghề. Công ty nào cũng được quyền hoạt động những ngành đó mà không phụ thuộc vào cái tên có chữ đó hay không.
Cách 3. Đặt tên công ty theo địa danh và chỉ dẫn xuất xứ:
– Lấy địa danh làm tên chính: Bia Sài Gòn, Bánh kẹo Biên Hòa, Thuốc lá Đồng Nai, Mía đường La Ngà, In Đồng Khởi, Dược Hậu Giang…
– Lấy địa danh nổi tiếng về sản phẩm: Đá Hóa An, Bưởi Tân Triều, Nước mắm Phú Quốc, Yến Sào Khánh Hòa, Hoa Đà Lạt…
– Ghép tên riêng và tên địa danh: Hoàng Anh Gia Lai, Đồng Tâm Long An, Đức Long Gia Lai, Du lịch Sài Gòn Phú Quốc…
Cách này có ưu điểm nhấn mạnh tính bản địa của sản phẩm, tận dụng thương hiệu địa phương để đẩy thương hiệu của mình. Công ty dịch vụ dễ tiếp cận khách hàng địa phương.
Tuy nhiên khuyết điểm là gắn chặt với một địa phương sẽ gây tâm lý khó phát triển rộng hơn, và vấn đề bản quyền của việc chỉ dẫn địa lý cũng không cho phép dễ dàng đăng ký những tên trên.
Cách 4. Đặt tên công ty bằng từ viết tắt và ngoại ngữ:
– Viết tắt tên địa danh gắn vào ngành nghề: Vinamilk, Habeco, Donafood, Vinacomin, Sadona…
– Viết tắt từ tên công ty bằng tiếng Anh hay tiếng Việt: BBCC, LBC, ABC…
– Tên bằng ngoại ngữ: Young Lion, A Plus, Luxury Door, The Real, The Braind
Theo quy định đăng ký kinh doanh hiện nay thì nếu muốn có tên viết tắt như Vinamilk thì doanh nghiệp phải đặt tên Công ty TNHH Sữa Việt Nam làm tên chính thức, đăng ký tên tiếng anh là Vina Milk Limited Company, sau đó phần tên viết tắt mới được viết là Vinamilk.
Để đăng ký những tên là chữ cái và không ghép thành chữ có nghĩa doanh nghiệp có thể phải đăng ký tên là từng chữ một. Ví dụ: Muốn dùng tên công ty là ASCO, doanh nghiệp sẽ phải đăng ký tên chính thức là công ty TNHH Xây Dựng A.S.C.O thì sau đó mới có thể viết tắt là Công ty ASCO được.
Ngoài ra theo quy định riêng của phòng đăng ký kinh doanh các tỉnh thành, doanh nghiệp có thể không được đặt tên chỉ có chữ cái không. Ví dụ Công ty TNHH ABC thì không được nhưng Công ty TNHH Bánh kẹo ABC thì được.
Cũng theo quy định cảm tính của phòng đăng ký kinh doanh các tỉnh, doanh nghiệp có được đặt tên công ty bằng tiếng anh hay không. Ví dụ ở TP.HCM doanh nghiệp có thể đăng ký Công ty TNHH Say Cheese, nhưng ở Đồng Nai doanh nghiệp sẽ phải đặt tên Công ty TNHH Nói Phô Mai rồi mới được đăng ký tên tiếng anh là Say Cheese.
Cập nhật mới nhất: Hiện nay ở một số tỉnh thành, bao gồm Đồng Nai, doanh nghiệp đã được đặt những tên hoàn toàn bằng tiếng Anh có nghĩa rõ ràng như The Real, Right Braind.
Cách 5. Đặt tên công ty những từ đẹp hoặc độc đáo:
– Gợi lên uy tín, tin cậy: Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu, Bảo hiểm Bảo Việt, Ngân hàng Đại Tín, Công ty Tín Nghĩa…
– Gợi lên khát vọng dẫn đầu: Công ty thép Tiến Lên, Công ty in Thăng Tiến, Công ty đào tạo Nhất Nghệ, Công ty công nghệ Nhất Thế…
– Gợi lên triết lý kinh doanh: Hòa Bình, Vì Dân, Hòa Phát, Win-Win, Tâm Việt, An Nhiên…
– Gợi lên sự may mắn, thuận lợi: Salon Tài Lộc, Cafe Lộc Phát, Ô tô Tài Phát, Xây dựng Hưng Thịnh, Quảng cáo Thành Đạt …
Gần đây rất nhiều doanh nghiệp muốn gợi sự may mắn thuận lợi bằng cách đặt tên công ty theo công thức ABC XYZ + PHÁT như: An Bình Phát, Tất Thành Phát, Nguyên Long Phát, Hà Gia Phát, Trần Hai Phát, Nhất Định Phát… Nếu doanh nghiệp không ngại để tên mình chìm vào một rừng các tên na ná nhau thì có thể chọn cách này. Tuy nhiên doanh nghiệp cần lưu ý, theo thống kê bằng công cụ tìm kiếm Google, danh sách những công ty giải thể và bỏ trốn hàng năm đều có khoảng 40% là những công ty có chữ Phát ở cuối tên.
Việc đặt tên độc đáo cho công ty cũng có thể giúp công ty làm thương hiệu rất nhanh, nếu người chủ doanh nghiệp đủ mạnh dạn và hài hước, sản phẩm và đối tượng khách hàng phù hợp, thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể cân nhắc những cái tên độc đáo như:
Công ty nước uống đóng chai Nhiêu Lộc, Công ty xây dựng Sắp Sập, Công ty tư vấn khởi nghiệp Xém Thành Công…
Nếu doanh nghiệp dự định dùng tên công ty làm tên thương hiệu sản phẩm dịch vụ, hãy nhớ một số gợi ý:
- Tên nên bắt đầu bằng chữ A
Bạn sẽ mặc định đứng đầu hoặc nhóm đầu các danh sách do cách sắp xếp mặc định theo bảng chữ cái alphabet. - Tên nên có nhiều hơn 1 âm và ít hơn 4 âm tiết khi đọc lên
Do thói quen chì đọc 2 hoặc 3 âm tiết khi nói đến tên công ty, nếu tên bạn chỉ có một âm khách hàng sẽ ghép thêm một chữ nữa làm sai lệch tên của bạn. Cũng như thế nếu tên bạn có 4 âm tiết khách hàng sẽ bỏ bớt 2 âm và đọc sai tên bạn. - Tên nên dùng những chữ không dấu
Nó giúp tiện thể hiện trên nhiều ngôn ngữ, nhiều môi trường. - Tên đọc lên thuận miệng hoặc đồng âm hoặc vần với nhau càng tốt
Hãy dùng những tên kiểu Alabama, Andromeda, Anhxetara, Asmeranda (Lấy từ điển ra và đọc hết những từ bắt đầu bằng chữ A xem sao) - Không nên có những từ mà khi đọc qua điện thoại người nghe khó viết lại
Ví dụ tên Năm Căn, Vi Ba, Hồng Ty, Mai Anh có thể bị người nghe viết lại thành 5 Căng, Vy 3, Hồng Ti, Mai Ăn. - Nên tìm hiểu trước xem có thể đăng ký tên miền đạng tên.com hoặc đăng ký nhãn hiệu độc quyền với tên mình dự định đặt hay không trước khi quyết định.
Trường hợp doanh nghiệp cần tìm hiểu thêm về việc đặt tên công ty
- Có văn bản pháp luật nào quy định việc đặt tên công ty không?
- Có. Tham khảo: LUẬT DOANH NGHIỆP 2014 | NGHỊ ĐỊNH 78/2015/NĐ-CP VỀ ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP | THÔNG TƯ 20/2015/TT-BKHĐT HƯỚNG DẪN ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP
- Có thể tự tra cứu trùng lặp khi đặt tên công ty không?
- Có. Tham khảo: TRANG WEB TRA CỨU TÊN DOANH NGHIỆP CỦA BỘ KHĐT
- Có ai tư vấn miễn phí việc đặt tên công ty không?
- Có. Liên hệ: ASADONA
Tham khảo: quy định về đặt tên doanh nghiệp tại luật doanh nghiệp 2014:
Những điều cần lưu ý khi đặt tên doanh nghiệp
1. Các thành tố tạo nên tên doanh nghiệp
2. Tên tiếng nước ngoài và tên viết tắt của doanh nghiệp
3. Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp
Liên hệ mới nhất